<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
ĐÃ ĐẾN THỜI KỲ KIẾN THIẾT NỀN PHẬT HỌC QUỐC VĂN CHƯA.
Tác giả: Thiền Sư Mật Thể

Xem các nước trên thế giới - trừ những nước chậm tiến chưa khai hóa - nước nào cũng có một văn hóa riêng để làm nền tảng giáo dục trong nước, để hiệu triệu quốc dân và mở mang trí thức cho dân chúng.  Nên nước nào văn hóa có dồi dào, dân trí nước ấy mới giàu mạnh, vận mạng nước ấy mới vững chắc...  Thì các tôn giáo hay các học thuyết cũng vậy.  Ở trong các văn hóa ấy, các tôn giáo, các học thuyết lại phải kiến lập một nền văn học riêng cho thích hợp với trình độ của trí thức nước ấy, để làm phương pháp truyền bá tư tưởng, lợi khí để khuếch trương tín ngưỡng học thuyết của mình.  Trái lại, nếu thứ văn học của tôn giáo, học thuyết nào bị thấp kém hay không thích hợp, thì không những là một trở ngại lớn trên bước đường truyền bá mà vận mạng của tôn giáo ấy, học thuyết ấy e cũng khó đứng vững được.
    Nước Việt Nam ta hấp thụ văn hóa Á châu đã mấy ngàn năm, thọ giáo cùng nước Tàu, nên các món học thuyết đều y theo sách Tàu truyền bá.  Nói đến đây, xin các nhà tân học chớ vội cho môn học ấy là đồ vật đáng bỏ.  Và cũng chớ nên vội kết tội thứ văn hóa ấy là một món thuốc độc làm mất giá trị nghị lực của loài người.  Theo ngu ý tôi sự học đã là cái chìa khóa để mở trí thức, thì dù một nền học thuyết ở xứ nào, thời nào, cũng đã trải qua bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu tay trí thức kiến thiết, sửa đổi, trau dồi mới tạo thành một nền văn hóa có giá trị, có cương mực, có lý luận v.v. Dù thứ văn hóa ấy nó không hợp cho tâm lý của người đời nay, song chắc nó cũng đã giúp cho nhân loại về thời ấy nhiều điều hay, mà chưa biết chừng nó cũng sẽ giúp cho lớp nhơn loại tương lai sau này nữa...
    Nay tôi xin gác qua sự lợi ích của hai thứ văn hóa Âu châu và Á châu, lợi hay hại nó đã trả lời, hay thời gian sau này nó sẽ trả lời cho chúng ta biết bằng các hiệu quả hiển hiện, ở đây tôi muốn  bàn riêng về vấn đề Phật học - Như trên tôi đã nói, vì nước ta hấp thụ văn hóa Tàu, nên Phật giáo truyền sang xứ ta cũng cho kinh điễn chữ Tàu mà truyền bá; vì thế mà giáo lý của Phật khó phổ cập khắp quần chúng - nhất là thời bây giờ.
    Xét về trong kinh sách chữ Tàu và chữ Nôm, ở Bắc kỳ, Trung kỳ cũng có nhiều nhà sư giải thuật - Riêng về chữ Nôm cũng được năm mười quyển lưu truyền trong nhơn gian đến ngày nay, những quyển sách của các ngài tuy chưa mấy bộ được hoàn toàn như sách của các nước, song công đức của các sách ấy đối với nhơn dân Phật tử Việt Nam không phải là nhỏ.  Dù thế, năm mười quyển sách ấy đối với toàn bộ Phật giáo đã thấm vào đâu, và làm gì mà đủ gây dựng nên một nền văn hóa đạo đức cho nước nhà được.  Vả nay trình độ dân trí đã khác, đã bước đến một giai đoạn mới, những quyển sách giảng giải đạo lý bằng quốc văn, cho hợp trình độ dân trí, và nền văn học đời bây giờ, mới mong khuếch trương tinh thần giáo nghĩa của Phật giáo, duy trì đạo tâm của tín đồ trong nước.
    Gần đây, khắp trong Nam ngoài Bắc, các nhà học Phật phần nhiều cũng trước thuật hoặc phiên dịch kinh sách xuất bản rất nhiều, nhưng - tôi thiết thực xin lỗi - vì sự học chưa thấu lý, hoặc về mặt quốc văn chưa được điêu luyện, nên có đôi chỗ quá đỗi ngây ngô, sai lầm, điều đó, tôi rất tin luật đào thải tự nhiên trong văn chương, một ngày kia những sách ấy sẽ theo thời gian mà xuôi giòng quá khứ, nhường chỗ cho những quyển sách giải bày đúng đạo lý, thích hợp về mặt văn chương hơn, làm đại biểu cho nền Phật học trong nước; những quyển sách ấy, còn nhờ những nhà văn chơn chánh đứng ra đương đầu lãnh lấy trách nhiệm...
    Khi chúng ta đã xét rõ Phật pháp có lợi ích rất lớn cho nhơn tâm, chúng ta cần phải nương Phật pháp mà duy trì nền đạo đức trong nước, nương Phật pháp mà kiến lập một nền học thuật cho rõ ràng chơn chánh, nhất là, phải nương Phật pháp mà đào tạo nhơn tâm trở nên cái tánh mạnh mẽ, hy sinh, tự lập, hầu bỏ những tánh yếu hèn, ích kỷ, là những tánh xấu, làm mất giá trị của loài người.
    Ta hãy xem những tạng kinh các nước:  Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ, không nước nào là không phiên dịch thành tiếng bản quốc mình và họ đã lập thành nền Phật học cho trong nước.  Đến như gần đây các nước Âu châu; Anh, Pháp, Mỹ, Đức v.v. không nước nào là không dịch kinh sách, nhiều nhất là kinh dịch tiếng Anh và tiếng Đức, họ dịch gần đủ cả tạng kinh tiếng Phạn và Pàli.
    Xem người lại ngắm đến ta, dù nước ta là nước nhỏ, song đã gọi là một nước có Phật giáo lịch sử gần 2000 năm, lẽ nào không gây được một nền Phật học quốc văn cho thích hợp với nền văn hóa nước nhà, đặng mưu phần lợi ích cho dân chúng.  Dù công việc phải trải bao nhiêu năm tháng, nhưng có ban đầu thời sau này mới mong kết quả...
    Huống nữa, hiện thời tín đồ đạo Phật rất nhiều người khao khát muốn hiểu Phật lý, muốn thực hành Phật pháp - Các hội Phật giáo ở ba kỳ đã gây phong trào học Phật mà sách đọc còn đương ít.  Dù người hữu tâm trong thời kỳ Hán học suy đồi này, kinh sách chữ Tàu cũng khó cho người An Nam ta dùng làm tài liệu nghiên cứu.  Mà cho đến kinh sách dịch của các nước cũng vậy.  Các nhà tân học muốn rõ khoa học triết lý với Phật pháp v.v. tuy những bài biện luận trong các tạp chí Phật học, cũng chưa đủ làm tài liệu cho những người nghiên cứu ấy - Ấy là chưa nói đến hạng người ưa đọc sách phổ thông; phụ nữ ưa đọc sách cho hiệp tâm ý phụ nữ, người già lại muốn hiểu rõ kinh sách cho hiệp tâm lý của người già v.v. còn bao nhiêu là hạng tín đồ trong xã hội chưa có sách mà đọc!
    Chúng ta thử ngó qua lối tổ chức về kinh sách của các tôn giáo khác, như đạo Thiên chúa thiệt mặt truyền bá ở An-nam ta vừa trên năm sáu mươi năm nay, mà kinh sách bằng quốc văn ra đủ, tín đồ hạng nào cũng có sách mà đọc, nhờ vậy mà tín đồ của họ ngày một thêm nhiều.
    Còn Phật giáo truyền qua Việt Nam ta đã gần hai ngàn năm, mà về phần giáo lý chưa thấy có thời nào phát triển.  Ấy vì ảnh hưởng “học Tàu lai” của người Việt Nam ta, với lại cái óc ỷ lại theo mù, không biết sáng tạo.  Ôi ! giáo lý đã mờ ám, suy đồi, thì lấy đâu mở được nguồn trí thức sáng suốt.  Sở dĩ lý Phật ngày càng khuất ẩn !  Tăng đồ hầu hết ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng biết đạo lý là gì.  Trách sao Phật pháp không bị người đời khinh dễ, không phổ cập nhơn gian, không giúp ích cho quần chúng !
    Nay phong trào Phật giáo chấn hưng, nếu ta không nhơn lý này mà sáng tạo nên nền Phật học bằng quốc văn, thì khó mà chỉnh lý việc giáo dục trong Tăng già, khó mà duy trì tín tâm của toàn thể tín đồ trong nước.  Một điều mà ta phải nhận rõ: người An-nam nói tiếng An-nam bao giờ cũng lão luyện hơn, đọc văn An-nam bao giờ cũng dễ thông suốt hơn.  Vậy ở trong thời kỳ này là thời kỳ chữ quốc văn đã phổ thông có chi thích hợp bằng ta đề xướng vấn đề Phật học quốc văn, gây dựng nền Phật học quốc văn, phiên dịch kinh điển, biên tập giáo khoa thư, trước để làm phương pháp giáo dục trong Tăng già, cho bớt nạn thất học và đặng dễ phần nào đào luyện nhơn tài ra hoằng dương Phật pháp, sau lại cho thích hợp trình độ học thức văn hóa của nước nhà, để cho các nhà hữu tâm có tài liệu nghiên cứu, các tín đồ có sách mà đọc mà mong Phật pháp phổ cập nhơn gian, người người đều được thấy rõ ánh sáng chơn lý của Phật, đều được thấm nhuần công đức của Phật pháp, thì có gì quý hóa hạnh phúc bằng !
    Bây giờ là thời cơ đã đến, các nhà hữu tâm thông hiểu Phật pháp, các bạn đồng chí đủ có tài sức, xin hãy mạnh mẽ vì hiện tại và tương lai, mà hô hào cổ động, mà kiến thiết tổ chức; những sự nghiệp vĩ đại rực rỡ sau này đương đợi chúng ta nhúng tay vào làm việc, ta phải luôn luôn hăng hái mạnh mê mà tiến tới!
    Mong rằng Phật giáo ở nước Việt Nam ta, rồi đây sẽ bước đến một giai đoạn mới, sẽ mở một kỷ nguyên mới trên lịch sử Phật học nước nhà- nghĩa là có được một nền Phật học quốc văn chơn chánh thiện mỹ.

Những Tác Phẩm của Thiền Sư Thích Mật Thể :

Phật Giáo Khái Luận

Phật Giáo Khái Luận (Lời Tựa)
Phật Giáo Khái Luận
Phật Giáo Khái Luận (Tổng Thuyết)
Phật Giáo Khái Luận (Câu Xá Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thành Thật Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Luật Tôn)
Phật Giáo Khái luận (Pháp Tướng Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tam Luận Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiên Thai Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (MatTôn)
Phật Giáo Khái Luận (Hoa Nghiêm Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Thiền Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (Tịnh Độ Tôn)
Phật Giáo Khái Luận (phần cuối)

Thế Giới Quan Phật Giáo

Lời Nói Đầu
Vài Nét Về Tiểu Sử Tác Giả
Tìm Đường
Hai Nguyên Lý Phật Giáo
Tìm Hiểu
Phật Giáo Với Vấn Đề Nhân Sinh
Phật Thích Ca Là Hiện Thân
Nhận Thức Luận
Phật Thân Luận
Kết Luận

Kinh Vô Lượng Nghĩa và Xuân Đạo Lý

Lời Giới Thiệu
Kinh Vô Lượng Nghĩa
XUÂN ĐẠO LÝ
Xuân Hóa
Xuân
Phật Giáo Với Hiện Đại
Thuần Tuý
Phật Hóa Thanh Niên
Xuân ở Lòng Người
Đã Đến Thời Kỳ Kiến Thiết
Đạo Lý Bình Đẳng của Phật Giáo
Ứng Phú Hoàn Cảnh
Mộng
Những Vần Thơ Xuân

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Nhà Sư Vướng Lụy : Tô Mạn Thù - bản dịch của Bùi Giáng
Những Tác Phẩm của Thiền Sư Mật Thể
Lời Đức Phật dạy
Những Vần Thơ XUÂN
MỘNG
ỨNG PHÚ HOÀN CẢNH
ĐẠO LÝ BÌNH ĐẲNG CỦA PHẬT GIÁO
XUÂN Ở LÒNG NGƯỜI
Phật Hóa Thanh Niên
Thuần Túy
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3149218
Có -672 Khách Đang Online